img

Việc viết chữ với người lớn chẳng có gì khó, song với các bé vừa từ mẫu giáo chuyển lên thì lại khác hẳn. Các bé thường chuyển từ trạng thái sung sướng, háo hức khi được học viết, sang mệt mỏi, chán nản thậm chí sợ viết, khá nhanh. Không ít bố mẹ gặp cảnh con viết một hai chữ là đứng dậy đi uống nước, đi vệ sinh, kêu đau bụng, kêu đói hay muốn ngọ ngoạy nghịch đồ chơi… Và thế là việc viết lách, trước khi đi học tiểu học thì là mơ ước của con, nay trở thành “ác mộng”. Trong khi đó, nhiều bé vẫn giữ nguyên được niềm yêu thích, có thể tỉ mẩn ngồi viết hết chữ này tới chữ khác, chỗ nào cũng có thể viết được. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này, trong đó, một nguyên nhân quan trọng mà ít người để ý, đó là việc luyện tập đôi tay đúng cách. 

Trước hết, bố mẹ nên tập cho con ngồi đúng tư thế. Bố mẹ có thể làm mẫu, cho con bắt chước theo: Ngồi vào ghế, giữ lung thẳng, tay để trên mặt bàn, bụng không chạm vào bàn. Khoảng cách giữa bàn và ghế vừa đủ để trẻ có thể đặt khuỷu tay trên mặt bàn mà vẫn giữ lưng thẳng, không phải cúi người. Hiện nay bố mẹ thường mua các bộ bàn ghế có thiết kế sẵn để giữ đúng khoảng cách này.

Muốn trẻ không bị mỏi, bị đau khi viết, trước tiên bố mẹ hãy nhớ không bắt con ngồi tập viết quá lâu, và đặc biệt chú ý đến các cử động của tay. Nếu coi tay là một cỗ máy, thì động cơ khiến nó hoạt động nằm ở phía trên khuỷu tay. Sử dụng tốt “động cơ” này, viết lách sẽ trở nên nhẹ nhàng, ít tốn sức. Muốn vậy, cần lưu ý để toàn bộ phần cánh tay trên mặt bàn, tránh tính trạng chỉ tì một phần cẳng tay và bàn tay lên bàn, khuỷu tay lại chông chênh cách xa mặt bàn, sẽ làm tay rất nhanh bị mỏi. Trong quá trình viết này, cẳng tay không cần nhấc lên mà luôn nằm trên mặt bàn một cách tự thiên, thoải mái.

Trước khi dùng bút, dù là bút chì để viết chữ hay bút sáp để tô màu, bố mẹ nên cùng con chơi trò chơi “luyện tay chắc khỏe”: Mắt hướng ra giữa bàn, giữ tay ở vị trí cố định, các ngón tay nắm hờ nhẹ nhàng rồi nắm chặt tay lại, làm căng tay lên, rồi nhẹ nhàng thả ra để các ngón tay trở lại vị trí nắm hờ, các cơ được thư giãn. Luyện tập nhiều lần mỗi ngày trong khoảng từ 3 đến 5 tuần để tăng sự dẻo dai cho cơ tay và đảm bảo con ngồi đúng tư thế.

Dù viết, hay vẽ bố mẹ cần hướng dẫn con cầm bút đúng bằng các đầu ngón tay. Khi viết, cổ tay và bàn tay không bao giờ chạm vào mặt giấy. Chỉ có 2 điểm nghỉ: cơ tay gần khủyu tay và ngón tay thứ 3, thứ 4  làm điểm tựa.

Tập dùng tay khéo léo:

Trước khi viết chữ bằng bút chì, nên dành nhiều thời gian cho con “chơi” với bút sáp màu để luyện tay khéo léo:

- Tập tô kín theo hình dạng nhất định, chẳng hạn, mẹ vẽ hình tròn, con tô kín phía trong hình tròn, chú ý để màu không bị tràn ra phía ngoài.

- Nối các nét đứt thành hình liền mạch.

- Tạo các nét thẳng ngắn (ngang hay dọc) không dùng thước kẻ.

- Nối hai bức tranh bằng nét thẳng không dùng thước kẻ.

- Tạo các hình oval, hình tròn…

- Cho bé viết, vẽ theo ý thích.

Khi thực hiện các hoạt động này, luôn cho bé ngồi ở bàn ghế ngay ngắn, đúng tư thế để vừa luyện tay, vừa quen dần với tư thế ngồi ở lớp tiểu học.

Mời bố mẹ đưa thêm những hoạt động phù hợp giúp các con luyện tay chắc khỏe, khéo léo nhé!

Thảo Đinh